Tổng hợp 43 loại ghế cho nội thất ngôi nhà của bạn và hơn thế nữa

Có rất nhiều loại ghế và có nhiều cách để sử dụng chúng với các thiết kế khác nhau. Những chiếc ghế có thể được đặt trong gia đình, trong văn phòng, trong nhà hàng… Mỗi không gian sẽ có các kiểu và nhu cầu trang trí khác nhau. Dưới đây là 43 loại ghế phổ biến nhất và những nội dung liên quan đến ghế cho thiết kế nội thất ngôi nhà của bạn. Tên gọi của những loại ghế này được dịch từ tiếng Anh, nhiều loại ghế chưa có tên riêng trong “từ điển nội thất” của Việt Nam, vì vậy, nếu như tên tiếng Việt của chúng có gì sai xót, hài hước thì mong các bạn thông cảm. Có thể trong danh sách này sẽ có một số loại ghế “na ná” nhau nhưng chúng thật sự, dù chỉ một chút, có sự khác nhau về hình dáng và công năng.

Xem thêm: Hướng dẫn từng bước cách treo rèm cửa

GHẾ PHÒNG KHÁCH

Có thể nói phòng khách là căn phòng được sử dụng nhiều nhất trong một ngôi nhà. Đây là nơi gia đình tụ họp với mục đích giải trí, sum vầy và cũng là nơi để đón tiếp khách. Dưới đây là một số loại ghế phù hợp trong phòng khách:

01. Ghế bành (Armchair)

Ghế bành là một loại ghế rất linh hoạt và chúng có thể được sử dụng trong bất kỳ không gian nào. Đặc điểm của ghế bành là chúng có tay vịn chắc chắn, vì vậy bạn có thể “ngả ngốn” với những tư thế rất “tuyệt vời” trên chiếc ghế này.

02. Ghế không tay vịn (Armless Chairs)

Đúng như tên gọi, những chiếc ghế không tay vịn dĩ nhiên là sẽ không có tay vịn :). Thật ra, về cơ bản chúng chính là những chiếc ghế bành được bỏ tay vịn đi, điều này sẽ làm cho chúng nhẹ – gọn gàng – linh hoạt hơn. Không có tay vịn, chiếc ghế này có thể phù hợp với mọi loại bàn hoặc quầy mà bạn sử dụng. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể xếp nhiều chiếc ghế loại này thành một chiếc ghế dài.

03. Ghế tựa (Recliner)

Ghế tựa là loại ghế cho phép điều chỉnh tư thế ngồi dựa lưng bằng cách có một chỗ để chân được tích hợp sẵn. Những chỗ để chân này thường có thể nâng lên – hạ xuống bằng cần gạt, nút bấm hoặc chỉnh thủ công bằng tay dựa vào các “nấc” có sẵn. Ghế tựa có nhiều kiểu dáng từ truyền thống đến hiện đại và thường được sử dụng với mục đích giải trí, thư giãn như xem tivi, đọc sách…

04. Ghế hai người ngồi (Loveseat)

Ghế 2 người ngồi là một loại ghế sẽ có kích thước bằng khoảng “1 chiếc ghế rưỡi”. Ở các nước phương Tây, chúng được gọi với tên Loveseat (Ghế tình yêu). Đừng suỹ nghĩ linh tinh nhé :), sở dĩ chúng có tên gọi như vậy vì chúng có thể cho hai người ngồi trên ghế với khoảng cách gần nhau hơn. Sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn và người yêu cùng ngồi (chỉ ngồi thôi nhé) trên chiếc ghế này và trò chuyện hoặc xem phim.

Ghế “nhấn” (Accent Chairs)

Ghế “nhấn” được sử dụng làm điểm nhấn và thường sẽ khác với các ghế còn lại trong phòng. Chúng có thể có phong cách khác hoặc chất liệu khác để tạo nên sự khác biệt, một điểm nhấn rất “đắt” trong căn phòng của bạn. Có nhiều loại ghế “nhấn” với tên gọi cụ thể dựa theo công năng như sau:

05. Ghế “đi dép” (Slipper Chair)

Đúng với tên gọi của nó, ghế “đi dép” được thiết kế để phục vụ mục đích hỗ trợ, tạo sự thoải mái khi bạn thao tác việc đi dày, đi dép. Chúng thường không có tay vịn vì người dùng sẽ không ngồi lâu. Chúng được thiết kế nằm gần mặt đất hơn, cho phép người dùng có thể cúi xuống tiếp cận chân một cách dễ dàng. Ghế “đi dép” thường được đặt ở vị trí mà mọi người sẽ để dày, dép. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng ở những ví trí khác như ghế ngồi thông thường nếu như những thành viên trong gia đình bạn là những người “nhỏ nhắn, xinh xắn”.

06. Ghế phụ (Side Chair)

Ghế phụ thường là những loại ghế nhỏ, chắc chắn. Chúng được thiết kế đơn giản hết sức có thể, thường được sử dụng như một chỗ ngồi thêm trong phòng ăn hoặc phòng khách. Bởi vì chúng được thiết kế đơn giản, gọn gàng nên bạn có thể dễ dàng di chuyển và cất giữ.

07. Ghế tựa lưng có cánh (Wingback Chair)

Ghế tựa lưng có cánh là một ghế cổ điển được thiết kế để đặt trước một lò sưởi, “cánh” của chúng mở rộng, nằm ở 2 bên nơi cao nhất của chiếc ghế để giữ ấm cho người ngồi và ngăn gió lùa vào. Ở Việt Nam ngày nay, mặc dù lò sưởi không phải là vật dụng cần thiết nhưng nhiều nhà gia đình vẫn sử chiếc ghế này vì thiết kế độc đáo của nó. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nó để có một chỗ ngồi ấm cúng trong mùa đông giá lạnh của miền Bắc.

08. Ghế câu lạc bộ (Club Chair)

Ghế câu lạc bộ là loại ghế có lưng tựa không quá cao so với tay vịn. Ban đầu chúng được sử dụng giành cho các quý ông trong câu lạc bộ, cho phép họ có thể dễ dàng trò chuyện với những người xung quanh, kể cả là những người ngồi sau lưng. Ngày nay, ghế câu lạc bộ thường là loại ghế được làm bằng những chất liệu cao cấp nhằm tạo nên sự đẳng cấp và quyền lực ở vị trí mà nó được đặt.

09. Ghế thùng (Barrel Chair)

Giống ghế câu lạc bộ ở trên, ghế thùng có phần tựa lưng không quá cao, nhưng chúng được thiết kế có dạng hình tròn, gần giống như một chiếc thùng bị cắt 1 góc. Chính vì hình dáng như vậy nên chiếc ghế này sẽ ôm lưng của người ngồi, tạo cảm giác rất thoải mái. Loại ghế này thường có kích thước khá lớn để tăng thêm sự thoái mải cho người ngồi.

10. Ghế thư giãn – Ghế Eames (Eames Chair)

Tên gọi của chiếc ghế này được đặt theo tên người đã thiết kế ra chúng – Charles Eames. Lê Lâm Design gọi chúng là ghế thư giãn vì mục đích của chúng chủ yếu là để thư giãn. Những chiếc ghế này bao gồm 2 bộ phận riêng biệt như hình ảnh ở trên, bạn có thể thoải mái “ngồi dựa lưng, kê cao chân” trên chiếc ghế này để đọc sách, chơi điện thoại, xem tivi… Eames Chair đã trở thành một biểu tượng sau khi nó ra mắt và là một sản phẩm có nhu cầu rất cao vì sự thoải mái mà nó mang lại.

11. Ghế tay cuộn (Rolled Arm Chair)

Ghế tay cuộn là loại ghế có tay vịn thấp với phần đệm để ngồi rất dày. Điều này khiến người ngồi có cảm giác vô cùng êm ái và dường như họ “chìm” vào trong ghế. Đúng với tên gọi, ngoài việc thấp, thì tay vịn của loại ghế này hơi cuộn ra một chút để tạo thêm sự thoải mái cho người ngồi.

12. Ghế cúc áo / Ghế Chesterfield (Chesterfield Chair)

Nhiều người cho rằng loại ghế này được bắt nguồn từ thị trấn Chesterfield, Anh. Vì vậy, ghế Chesterfield sẽ là tên gọi chính thống của loại ghế này, tuy nhiên, Lê Lâm Design xin được “Việt hoá” thành tên gọi Ghế Cúc Áo vì chúng có những nút trang trí giống như những chiếc cúc áo được đính vào để tăng thêm vẻ đẹp.

13. Ghế bành kiểu Pháp / Ghế Bergere (Bergère Chair)

Ghế Bergere được bắt nguồn từ Pháp, chúng có hình dáng giống ghế bành nhưng có phần gỗ trang trí cầu kỳ kiểu Pháp được lộ ra xung quanh, vì vậy, LLD xin phép được “Việt hoá” tên gọi của chúng thành Ghế Bành Kiểu Pháp. Do được trang trí với khung gỗ có hình dáng cầu kỳ đặc trưng của Pháp nên chúng được coi là một món đồ trang trí vương giả. Tuỳ vào mức độ tinh xảo, chúng sẽ được đặt ở vị trí thích hợp để tăng thêm vẻ đẹp của căn phòng.

14. Ghế quá khổ (Chair and a Half)

Tên gọi của loại ghế này thể hiện rằng nó là một chiếc ghế rộng hơn bình thường giành cho một người ngồi. Do sự thoải mái của loại ghế này mang lại, chúng được sử dụng chủ yếu với mục đích thư giãn. Chúng được cung cấp ở mọi loại kiểu dáng và sẽ là một lựa tốt vì chúng sẽ làm thoải mái bất kỳ ai khi ngồi, kể cả những người có vòng 3 quá khổ :).

15. Ghế thư giãn dài (Chaise Lounge)

Đây là loại ghế gây nhiều tranh cãi và hiểu nhầm về tên gọi của chúng. Cái tên bắt nguồn từ tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Việt là “ghế dài” mô tả chính xác chúng là loại ghế gì. Người ngồi có thể đặt cả 2 chân lên, thậm chí là nằm dài trên chúng. Đúng với chất Pháp, loại ghế này thường có thêm những “đường cong mềm mại” để tăng thêm tính thẩm mỹ. Chúng có thể có hoặc không có tựa lưng, tay vịn nhưng mục đích chính của chúng là đảm bảo sự thoải mái, thư gian tuyệt vời khi bạn nằm hoặc ngồi lên. Hình ảnh trên chỉ là một trong rất nhiều kiểu dáng của Ghế Thư Giãn Dài, nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm hoặc mua loại ghế này thì nên dùng tên gọi quốc tế “Chaise Lounge” để nhận được những thông tin chính xác nhé.

16. Ghế giảm căng thẳng (Stressless Chair)

Loại ghế này dường như là một phiên bản nâng cấp của Ghế thư giãn – Ghế Eames (Eames Chair) số 10 ở trên. Chúng nâng cấp ở điểm có thể ngả ra sau hoặc để thẳng đứng nhờ một hệ thống điều khiển được đặt thuận tiện ở tay vịn. Loại ghế này thường có phần đế dưới cùng hình tròn nhằm tạo nên sự cân bằng, chống ghế bị lật với mọi độ ngả của tựa lưng mà bạn chọn.

Ngày nay còn có một bản nâng cấp cao nhất của loại ghế này với tên gọi Ghế Massage, chúng được sử dụng phổ biến trong những gia đình trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam.

17. Ghế Barcelona (Barcelona Chair)

Bạn đang nghĩ rằng loại ghế này được bắt nguồn từ Barcelona, Tây Ban Nha? Vậy là bạn đã hoàn toàn SAI giống chúng tôi khi mới vào nghề và lần đầu tiên nghe đến tên gọi của loại ghế này :). Thật lạ lùng là loại ghế này được thiết kế tại Đức, bởi 2 người Đức chính hiệu là Mies Van Der Rohe và Lilly Reich. LLD đang nghi ngờ rằng 1 trong 2 người này có vợ là người Barcelona hoặc hâm mộ CLB bóng đá Barcelona với lối đá titi-kaka quyễn rũ :v. Nhưng thôi, hãy dừng tào lao về tên gọi của loại ghế này.

Ghế Barcelona là loại ghế có thiết kế vô cùng đơn giản. Chúng là một biểu tượng của nội thất hiện đại với khung được làm từ thép không gỉ, đệm ngồi và tựa lưng được bọc da bò. Ghế Barcelona thường được đặt trong những phòng khách có phong cách hiện đại, hoặc chúng cũng có thể là một điểm nhấn rất đẹp trong phòng ngủ.

GHẾ PHÒNG NGỦ

Hầu hết những loại ghế dùng cho phòng khách đều có thể sử dụng trong phòng ngủ. Tuy nhiên, vẫn có một số loại ghế có thiết kế giành cho phòng ngủ. Dưới đây là một số loại ghế như vậy:

18. Ben cuối giường / Ghế cuối giường (Ottoman)

Ben cuối giường thường để sử dụng chính là để làm bệ để chân khi ngồi trên giường. Nhưng trong thực tế, chúng được sử dụng mới khá nhiều mục đích khác. Chúng có thể được dùng để ngồi như một chiếc ghế băng dài. Nhiều trường hợp, một chiếc ben cuối giường còn được tích hợp thêm ngăn kéo và chúng trở thành một nơi cất giữ đồ khá lý tưởng.

19. Ghế treo (Hanging Chair)

Ghế treo thường được sử dụng ở các không gian giải trí ngoài trời. Nhưng bạn hoàn toàn có thể lắp đặt nó trong phòng ngủ để có một nơi để chill rất tuyệt ngay trong phòng ngủ của mình. Những chiếc ghế loại này thường được làm từ những vật liệu nhẹ nhưng dẻo dai như cây liễu gai, cây mây… Trong phòng ngủ, chúng thường được treo chắc chắn vào trần nhà, một số loại cải tiến hơn sẽ tích hợp khung đỡ có chân đế và chiếc ghế được treo trực tiếp vào khung đỡ đó.

20. Ghế võng (Hammock Chair)

Ghế võng có công năng và cấu tạo giống như ghế treo, chúng chỉ khác ghế treo ở vật liệu. Thông thường, những chiếc ghế võng được chế tạo từ những vật liệu giống như vải và được treo lên giá đỡ, chính vì thế chúng trông giống như một chiếc võng. Bạn có thể đặt thêm đệm vào những chiếc ghế võng để tăng thêm độ êm ái khi ngồi. Giống như ghế treo, ghế võng cũng có thể sử dụng ngoài trời nhưng chúng cần được chế tạo từ những vật liệu chống nước.

21. Ghế trang điểm (Makeup Chair)

Ghế trang điểm dường như là một vật dụng không thể thiếu trong phòng của các chị em. Khi nhắc đến loại ghế này, có thể bạn sẽ nghĩ đến chiếc ghế nhỏ nhắn, có thể cất gọn vào trong gầm bàn trang điểm giống như chiếc ghế trong phòng ngủ nhà bạn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều loại ghế được dùng với mục đích hỗ trợ việc trang điểm của các chị em. Chúng còn có tên quốc tế riêng là “Ghế Vanity – Vanity Chair”.

Ngoài loại ghế trên, thực tế ghế trang điểm có rất nhiều kiểu dáng, những chiếc ghế với đầy đủ công năng phục vụ cho việc trang điểm sẽ có thể điều chỉnh được độ cao (điều này là cần thiết bởi vì nhiều khi bạn sẽ ngồi trên ghế để người khác trang điểm cho bạn), một số sẽ có thêm những ngăn hoặc túi chứa đồ nhỏ. Bạn có thể nhìn thấy một chiếc ghế trang điểm “full option” tại một số địa điểm liên quan đến làm đẹp như tiệm cắt tóc, tiệm spa… Chúng thường được làm từ những vật liệu dễ lau chùi để đảm bảo rằng chúng có thể lau sạch dễ dàng khi bị dính các sản phẩm trang điểm.

22. Ghế quả trứng (Egg Chair)

Đúng với tên gọi, ghế quả trứng có hình dáng giống như một phần vỏ quả trứng bị cắt. Có thể điều này sẽ khiến bạn nghĩ rằng chiếc ghế được lấy ý tưởng từ quả trứng, nhưng thực tế thì vào những năm 1950, người thiết kế ra chiếc ghế này là Arne Jacobson đã lấy cảm hứng từ hình ảnh một đứa bé chưa chào đời vẫn ngồi trong bụng mẹ. Với sự độc đáo của thiết kế, đến bây giờ loại ghế này vẫn được rất nhiều gia đình sử dụng, thiết kế này còn được áp dụng phổ biến vào việc thiết kế ghế treo mà chúng tôi đã đề cập ở mục 19 ở trên.

GHẾ PHÒNG ĂN

Kinh tế ngày càng phát triển, hình ảnh “trải chiếu ăn cơm” dần được thay thế bằng những bộ bàn ghế ăn tuyệt đẹp trong các ngôi nhà hiện đại. Bàn ăn thường có 4 đến 8 ghế và đôi khi là nhiều hơn tuỳ vào nhu cầu sử dụng của chủ nhà. Thông thường, những chiếc ghế ăn sẽ có chung một phom dáng, nhưng trong thời gian gần đây, việc pha trộn các loại ghế ăn có kiểu dáng khác nhau đang là xu hướng khá hot nhằm tăng thêm sự thú vị cho không gian ăn uống. Có rất nhiều loại ghế ăn, dưới đây là một số loại phổ biến:

23. Ghế ăn cơ bản / Ghế Parsons (Parsons Chair)

Những chiếc ghế Parsons có đường nét cực kỳ đơn giản, điều này cho phép chúng có thể sử dụng theo nhiều kiểu, nhiều vị trí khác nhau mà không bị quá lố về mặt thẩm mỹ. Ghế Parsons thường được bọc bằng bất kỳ vật liệu nào ở vị trí ngồi và tựa lưng. Chúng có thể được trang trí thêm bằng các “cúc áo” giống như Ghế Cúc Áo ở mục 12 ở trên.

24. Ghế xương đòn / Ghế xương sống (Wishbone Chair)

Những chiếc ghế loại này có đặc điểm nổi bật nhất là chúng có một thanh hỗ trợ giống như xương đòn ở vị trí tựa lưng, những thanh này có thể tách ra nếu bạn cảm thấy không cần thiết phải sử dụng chúng. Ghế xương đòn thường có thiết kế mang phong cách hiện đại, chúng sẽ nhỏ hơn một chút so với ghế thông thường để có thể đặt trong những không gian ăn uống có diện tích nhỏ.

25. Ghế trong suốt (Ghost Chair)

Bạn có biết nhân vật “con ma vui vẻ Casper” không? Những chiếc ghế này có tên gọi quốc tế là Ghost Chair – Ghế Ma vì chúng có đặc điểm là trong suốt giống chú ma Casper. Tất nhiên, Ghế Trong Suốt sẽ được làm từ những vật liệu trong suốt, điều này sẽ làm cho căn phòng có cảm giác rộng và thoải mái hơn.

26. Ghế xoay (Swivel Chairs)

Rất đơn giản, Ghế Xoay được phát minh để xoay được :). Chúng có thể có nhiều hình dáng, nhiều chủng loại nhưng về cở bản thì vẫn đơn giản là chúng xoay được. Những chiếc ghế này có được sử dụng được cho nhiều mục đích, nhiều vị trí và nếu bạn có ý định sử dụng chúng để tô điểm cho không gian phòng ăn thì đó là một phương án không tồi.

27. Ghế quầy bar (Bar Stools)

Ghế quầy bar có nhiều hình dáng và kích thước, chúng thường được sử dụng với các mặt bàn cao và dài. Loại ghế này có diện tích ngồi nhỏ, bạn hầu như sẽ không thể thay đổi vị trí khi ngồi trên nó, vì vậy hãy đo đạc chiều cao của mặt bàn thật cẩn thận để xác định được chiều cao phù hợp của chiếc ghế. Một số ghế quầy bar sẽ có thêm những tính năng như xoay, quay lại, tích hợp thêm chỗ để chân… Bạn cũng có thể chọn những chiếc ghế có tựa lưng để có thêm sự thoải mái khi ngồi ăn cơm.

Các phong cách ghế ăn

Ghế ăn cũng có rất nhiều phong cách khác nhau phù hợp với từng không gian. LLD xin đưa ra một số phong cách ghế ăn phổ biến dưới đây:

28. Ghế ăn truyền thống (Traditional Dining Chair)

Ghế ăn truyền thống có kiểu dáng cổ điển, thường đi kèm với các hoạ tiết trang trí cầu kỳ. Chúng thường có bộ khung là những đường cong nhẹ nhàng bằng gỗ có điểm thêm các nét điêu khắc trên đó để tăng tính thẩm mỹ. Bạn có thể bọc thêm đệm ở vị trí ngồi và dựa lưng để tạo sự êm ái khi ngồi.

29. Ghế ăn hiện đại (Modern Dining Chair)

Trái ngược với những chiếc ghế ăn truyền thống ở trên là ghế ăn hiện đại. Chúng có thiết kế đơn giản và lược bỏ toàn bộ các chi tiết trang trí không cần thiết. Ghế ăn hiện đại thường được làm từ kim loại và nhựa cao cấp. Chúng trơn tru, sạch sẽ và không có chi tiết thừa.

30. Ghế ăn đương đại (Contemporary Dining Chair)

Ghế ăn đương đại có vẻ như là sự kết hợp gữa ghế ăn truyền thống và ghế ăn hiện đại. Chúng giống ghế ăn truyền thống ở chỗ bộ khung thường được uốn cong nhưng sẽ không có những hoạ tiện trang trí không cần thiết – giống ghế ăn hiện đại.

31. Ghế nan ngang (Ladder-back Chair)

Ghế Nan Ngang có phần tựa lưng gồm các thanh đặt nằm ngang giống hình một chiếc thang. Loại ghế ăn này rất phổ biến do tính đơn giản và linh hoạt của chúng.

32. Ghế nan dọc (Mission Chair)

Về cơ bản, ghế nan dọc có hính dáng giống với ghế nan ngang ở trên, chỉ khác ở chỗ là phần tựa lưng của chúng sẽ bao gồm các thanh được đặt thẳng đứng theo chiều dọc.

33. Ghế Windsor (Windsor Chair)

Ghế Windsor là loại ghế có phong cách cổ điển nhưng siêu đơn giản. Bạn chỉ cần hiểu thế này, trên cái ghế này, cái gì dài thì sẽ có hình tròn :). Phần tựa lưng và chân ghế là những thanh dài nhỏ nhắn hình tròn, điều này làm cho chiếc ghế có cảm giác rất mộc mạc, chân quê. Khi dùng loại ghế này, hãy cẩn thận nếu như gia đình bạn có trẻ nhỏ, tay chân của cháu nhỏ có thể lọt vào trong khe của các thanh tựa lưng.

GHẾ VĂN PHÒNG – GHẾ PHÒNG LÀM VIỆC

Có một chiếc ghế phù hợp để ngồi làm việc là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn duy trì tư thế đúng, tránh đau lưng và giảm ảnh hưởng đến cột sống sau những giờ ngồi làm việc căng thẳng. Dưới đây là một số loại ghế thông dụng có thể đặt trong văn phòng, phòng làm việc của bạn:

34. Ghế văn phòng (Desk-chair)

Đúng như tên gọi, loại ghế này được thiết kế với mục đích chính để giành riêng cho văn phòng. Chúng thường sẽ có bánh xe ở dưới giúp người ngồi có thể dễ dàng di chuyển để lấy tài liệu, vật dụng ở gần đó mà không phải bước xuống. Chúng cũng có thể điều chỉnh được độ cao để phù hợp với những người cao thấp khác nhau. Một số loại cao cấp có thể ngả lưng giúp người ngồi có thể nằm thư giãn trên ghế. Ở Việt Nam, những chiếc ghế văn phòng đơn giản thường được gọi ghế nhân viên, còn những chiếc ghế cao cấp hơn, êm ái không thua gì salon được gọi là ghế giám đốc, ghế chủ tịch. Ngày nay còn xuất hiện một loại ghế được bắt nguồn từ ghế văn phòng là “Ghế Gaming”, loại ghế này sẽ có thiết kế “gaming” hơn, chúng giúp các game thủ có thể chơi game hàng tiếng đồng hồ mà không mệt mỏi.

35. Ghế văn phòng thông minh (Ergonomic Office Chair)

Ghế văn phòng thông minh là một phiên bản nâng cấp từ ghế văn phòng thông thường. Chúng có mọi công năng mà một chiếc ghế văn phòng thông thường sở hữu. Ngoài ra, chúng có thiết kế thông minh hơn, sẽ có thêm một số chi tiết hỗ trợ mạnh mẽ việc giúp bạn có tư thế ngồi đúng. Những vị trí này còn có tác dụng kích hoạt cơ bắp của bạn, giúp bạn thoải mái và tỉnh táo hơn khi ngồi làm việc.

36. Ghế đọc sách (Reading Chair)

Ghế đọc sách có thể là bất kỳ loại ghế nào, nhưng yếu tố quan trọng nhất mà chiếc ghế phải có là sự thoải mái. Sẽ không có vấn đề gì nếu như bạn chỉ ngồi một chút rồi đứng dậy làm việc khác, nhưng nếu như bạn đang đọc một cuốn sách hay, cuốn hút, đúng gu thì sẽ phải mất hàng giờ để bạn đọc cuốn sách đó. Ngoài việc giúp bạn đọc sách, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chiếc ghế này để làm việc. Chẳng hạn như bạn có thể ngồi lên ghế, đặt laptop lên đùi và check mail xem có thông tin gì mới không, hoặc có thể lướt qua một hợp đồng quan trọng xem có gì phải chú ý không… Chiếc ghế này cũng là một nơi giúp bạn có những thời điểm thư giãn, giải trí thoải mái như xem tivi, nghe nhạc… hoặc đơn giản là bạn chỉ ngồi lên nó và thư giãn.

GHẾ CHO TRẺ NHỎ

Nếu gia đình bạn trẻ nhỏ, sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn có một chiếc ghế có thể đung đưa giúp bạn ngồi thoải mái trong khi ru đứa nhỏ ngủ một cách dễ dàng nhờ sự đung đưa của chiếc ghế. Khi con bạn lớn lên, chắc chắn chúng sẽ cần một chiếc bàn học với chiếc ghế phù hợp để chúng có thể làm bài tập về nhà. Dưới đây là một số loại ghế có thể giúp bạn chăm sóc con cái của mình dễ dàng hơn:

37. Ghế trượt / Ghế lượn (Glider Chair)

Ghế trượt là loại ghế có thể tiến lùi nhờ một hệ thống dưới chân ghế. Điều này giúp người mẹ khi bế em bé có thể di chuyển tiến lùi trong khi vẫn chó chúng bú. Một số loại có thêm 1 ghế đôn nhỏ cũng có thể trượt giống ghế chính giúp người mẹ có thể gác chân lên khi bế con.

38. Ghế bập bênh (Rocking Chairs)

Ghế bập bênh có khả năng chuyển động đung đưa giống như ghế trượt nhờ phần chân đế được uốn cong, tuy nhiên, thay vì chuyển động tiến lùi thì ghế bập bênh có chuyển động giống như một chiếc bập bênh, đây chính là lý do mà người ta đặt cho loại ghế này cái tên như vậy. Trước đây, khung của loại ghế này chủ yếu được chế tạo từ gỗ, ngày nay bạn có thể dễ dàng thấy chiếc ghế này được chế tạo từ những vật liệu hiện đại như kim loại, nhựa cao cấp…

39. Ghế lười (Bean Bag Chair)

Ghế lười có tên quốc tế là Bean Bag Chair (Ghế Túi Hạt Đậu), và đúng như tên gọi, ghế lười có hình dáng giống như một bao đậu. Chúng có thể làm được bất kỳ hình dạng nào để phù hợp với kiểu ngồi của bạn, có lẽ chính vì lý do này mà loại ghế này được gọi là Ghế Lười khi về Việt Nam. Sau thời gian dài sử dụng, bạn có thể thêm/thay “đậu” bên trong để chúng đạt được độ căng như khi mới mua.

40. Ghế bát / Ghế mặt trăng / Ghế Papasan (Papasan Chair / Bowl Chair)

Ghế bát có hình dáng là một hình tròn to giống như cái bát được đặt nghiêng một chút so với sàn nhà trên hệ thống khung đế bằng gỗ hoặc kim loại. Loại ghế này giúp người mẹ có thể cuộn tròn cùng đứa con của mình khi ở trên ghế. Sau này, có một số loại có thể gấp lại để dễ dàng cất gọn chúng khi không cần sử dụng. Khi gấp lại chúng có hình dáng giống như vầng trăng khuyết, vì vậy, những loại ghế cải tiến kiểu này được gọi là ghế mặt trăng.

CHẤT LIỆU BỌC CHO GHẾ

Ngoài kiểu dáng và công năng thì chất liệu của ghế cũng là một tiêu chí quan trọng tiếp theo. Loại ghế mà bạn chọn và vị trí đặt ghế sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đến việc bạn nên sử dụng vật liệu nào. Ví dụ như một chiếc ghế ngoài trời thì bạn nên chọn chất liệu chống nước, ghế trong phòng ăn thì nên chọn chất liệu dễ lau chùi… Dưới đây là một số chất liệu phổ biến hay được dùng để làm ghế:

Vải Pôliexte (Polyester) – Đây là loại vải rất bền. Chúng đã được thử nghiệm trong nhiều môi trường, khí hậu khác nhau và kết quả là chúng hầu như trông vẫn như mới. Vải Pôliexte là một chất liệu lý tưởng để dùng cho các loại ghế được đặt ngoài trời.

Da – Da là một chất liệu có tính danh giá, nó thường được dùng để bọc cho những chiếc ghế nằm ở vị trí trang trọng nhất trong căn phòng hoặc được dùng cho những chiếc ghế của lãnh đạo tại các cơ quan. Da dễ bị xuống cấp khi chịu ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, vì vậy, bạn chỉ nên dùng da cho các vật dụng được đặt trong nhà thôi nhé.

Vải Cotton – Vải cotton là một chất liệu bình thường khi xét về độ bền và vẻ đẹp, tuy nhiên, chúng có lợi thế là bạn có thể chọn bất kỳ màu sắc nào mà bạn thích. Chất liệu này rất nhanh xuống cấp khi sử dụng ngoài trời và chúng cũng rất dễ cháy.

Gỗ – Gỗ là một chất liệu được rất nhiều người yêu thích vì “chất cảm” mà nó có thể mang lại. Đây là chất liệu có tính chắn chắn với những đường vân tuyệt đẹp. Mặc dù gỗ là chất liệu tuyệt vời nhưng bạn không nên sử dụng chúng ở những không gian ngoài trời.

Mây tre đan – Đây không nhất thiết là những đồ dùng được đan lát chỉ từ cây tre hoặc cây mây, chúng được dùng để gọi chung cho những đồ dùng được đan lát từ bất kỳ loại cây nào có thể. Đồ dùng được làm từ chất liệu này rất nhẹ nhàng và chịu được thời tiết ngoài trời, rất phù hợp với những đồ dùng được đặt ngoài trời

Nhựa – Có thể nói nhựa là một chất liệu có giá thành rẻ nhất trong các chất liệu có thể làm ghế. Chúng có thể được dùng cho cả nội thất và ngoại thất. Ghế nhựa rất gọn nhẹ và có thể lùi chùi dễ dàng. Nhưng “tiền nào của nấy”, những chiếc ghế được làm từ nhựa có tuổi thọ rất ngắn, việc nhìn thấy một chiếc ghế nhựa tự nhiên bị gãy khi có người ngồi vào không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam. Mặc dù ngày nay đã có nhiều loại nhựa cao cấp nhưng chúng vẫn không thể mang lại cảm giác sang trọng. Cá biệt, có một số loại nhựa cao cấp trong suốt sẽ mang lại một cảm giác rất mới mẻ.

Kim loại – Thật măy mắn vì đây là chất liệu rẻ hơn rất nhiều so với gỗ tự nhiên nhưng có độ cứng cáp không hề thua kém. Chúng có thể được tạo thành nhiều hình dáng, nhiều màu sắc rất ấn tượng. Mặc dù không cao cấp như gỗ nhưng nhiều trường hợp sử dụng kim loại sẽ mang lại vẻ đẹp, sự sang trọng và hợp lý hơn rất nhiều so với sử dụng gỗ.

GHẾ CÓ THIẾT KẾ ĐỘC ĐÁO

Những chiếc ghế có thể có những thiết kế độc đáo về thiết kế nếu như bạn muốn làm nổi bật, tạo thêm nét đặc sắc cho không gian căn phòng. Thậm chí, nhiều chiếc ghế còn được thiết kế không chỉ để ngồi. Chúng có thể có thêm ngăn để đồ, cũng có thể biến thành một chiếc giường khi bạn cần… Dưới đây là một số kiểu ghế độc đáo trên thị trường:

41. Ghế để đồ (Storage Chair)

Ghế loại này sẽ có thêm ngăn để chứa đồ, tuỳ vào kích thước của chiếc ghế, bạn có thể cất được rất nhiều thứ vào trong chúng chẳng hạn như một chiếc chăn, sách hoặc điều khiển tivi, điều khiển điều hoà… Có một số chiếc còn tích hợp cổng xạc giúp bạn có thể cất điện thoại trong khi đang sạc.

42. Ghế không trọng lực (Zero Gravity Chair)

Ghế không trọng lực được thiết kế để đưa vào trạng thái giống như đang lơ lửng, cho dù bạn ngồi hay nằm với tư thế nào thì chiếc ghế vẫn ôm lấy bạn. Điều này khiến giúp bạn giảm căng thẳng, tràn đầy sinh lực khi giảm thiểu được trọng lực dồn lên cơ thể bạn hàng ngày. Ngày nay, kiểu thiết kế này được áp dụng rất nhiều trên những chiếc ghế massage hiện đại.

43. Ghế ngủ (Sleeper Chair)

Ghế ngủ thường có kích thước lớn hơn một chiếc ghế thông thường một chút. Bình thường chúng đích thị là một chiếc ghế để ngồi, nhưng khi cần thiết, chúng có thể mở/kéo ra thành một chiếc giường nhỏ và bạn có thể nằm ngủ trên nó.