9 lỗi cần tránh khi xây nhà mới

Bạn chuẩn bị xây dựng ngôi nhà trong mơ của mình và bạn chắc chắn rằng đã suy nghĩ thấu đáo về nó. Có thể bạn đã biết chính xác những gì bạn cần và muốn có trong ngôi nhà của bạn, nhưng bạn đã nghĩ về những gì bạn không muốn và những gì bạn không cần? Bạn đã thực sự nghĩ về mọi thứ chưa? Bạn đã đắn đo và cân nhắc rất nhiều về điều gì sẽ phù hợp với mình, nhưng bạn đã dành thời gian để nghĩ về điều gì sẽ không phù hợp với bạn chưa?

Lập một kế hoạch phù hợp với ngân sách sẽ giúp bạn an tâm và hứng thú khi việc xây dựng ngôi nhà của bạn được khởi công. Khi có ý định xây một ngôi nhà mới, bạn cần xem xét ngôi nhà từ nhiều góc độ. Bạn cần xem xét lối sống hiện tại và tương lai của mình. Bạn cần xem xét số lượng thành viên sẽ sinh sống trong ngôi nhà? Hay con cái của bạn có ở riêng khi trưởng thành không? Bạn có thường xuyên giải trí và thường xuyên tiếp khách vào ban đêm không? .v.v. Hãy dành thời gian và nghiên cứu tất cả các vấn đề sẽ ảnh hưởng đến việc ngôi nhà sẽ phục vụ bạn ra sao.

Sau khi hoàn thành các nghiên cứu trên, hãy gặp gỡ với những người có chuyên môn trong ngành thiết kế, xây dựng nhà ở. Lựa chọn thiết kế tồi có thể làm cho ngôi nhà của bạn không chỉ không thoải mái mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi bạn và gia đình sinh sống nhiều năm trong ngôi nhà đó. Kiến trúc sư, kỹ sư và nhà xây dựng đều được đào tạo để giúp bạn đưa ra quyết định hiệu quả. Họ sẽ giúp bạn biết được hạng mục nào có thể tiết kiệm, hạng nào không nên cắt xén dù chỉ 1000 đồng.

Xem thêm: Ngôi nhà mới tốt nhất Nam Úc 2022

Có rất nhiều điều cần tránh khi bạn xây dựng một ngôi nhà mới. Riêng về phong thuỷ cũng đã có một danh sách dài các điều nên tránh. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cấp đến 9 lỗi cần tránh khi xây dựng nhà mới dựa trên thực tế, khoa học. Đây đều là những lỗi mà rất nhiều chủ nhà đã phải chỉnh sửa sau khi sinh sống trong ngôi nhà mới của mình một thời gian và thấy chúng không phù hợp với nhu cầu.

1. Chú ý đến hệ thống điều hoà của bạn

Khí hậu của nước ta như nào thì các bạn cũng biết rồi. Ngay khi có đủ điều kiện về kinh tế để mua sắm, chiếc điều hoà dường như là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngoài ra, miền Bắc còn có khoảng thời gian “trời nồm”, khí hậu rất ẩm ướt, với nhiều gia đình, chiếc điều hoà không chỉ để làm mát vào mùa hè hoặc sưởi ấm vào mùa đông, nó còn là một công cụ đắc lực chống lại độ ẩm và nấm mốc trong khoảng thời gian này.

Cần chú ý cẩn thận đến thể tích của các không gian mà bạn sẽ lắp điều hoà trong ngôi nhà. Các điều hoà với công suất quá nhỏ sẽ hoạt động kém hiệu quả, không làm mát hay sưởi ấm hiệu quả cho ngôi nhà của bạn. Ngược lại những điều hoà quá lớn sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn và giá mua cũng đắt hơn, đây là điều lãng phí không cần thiết.

Bạn cũng cần quan tâm đến vị trí đặt “cục nóng”, nó cần phải đặt ở nơi thoáng khí để đảm bảo hoạt động trơn tru.

2. Lập kế hoạch không gian kém

Cho dù bạn có kế hoạch xây dựng một ngôi nhà rất lớn hay nhỏ hẹp thì việc lập kế hoạch và thiết kế không gian là rất quan trọng. Việc này sẽ không mấy khó khăn nếu ngôi nhà của bạn có thừa không gian để sáng tạo. Nhưng nếu ngôi nhà của bạn có diện tích không được dư dả cho lắm thì việc tính toán để chia không gian hợp lý cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Việc có các đồ nội thất như tủ, giá để đồ… là cần thiết, nhưng hãy chú ý đến nơi bạn đặt chúng. Hãy xem xét liệu phòng ngủ của bạn có thực sự cần một tủ quần áo quá khổ trong khi bạn có thể dùng một chiếc tủ nhỏ hơn là đủ cho nhu cầu của bạn?

3. Lập kế hoạch tổng thể kém

Khi thiết kế nhà, bạn nên xem xét lối sống và thói quen của bạn. Bạn dự định ở trong ngôi nhà này bao lâu? Các thiết bị mà chắc chắn bạn sẽ đặt trong ngôi nhà để phục vụ cuộc sống hàng ngày là gì? Gia đình bạn có con nhỏ không, và khi lớn lên chúng sẽ sinh sống như nào trong ngôi nhà? Hay bạn có thể cần phải suy nghĩ về những nhu cầu của mình sau này khi bạn đến tuổi nghỉ hưu và hơn thế nữa? Hãy suy nghĩ trước, về lâu dài, để xem bạn sẽ ở đâu và bạn sẽ cần gì từ ngôi nhà của mình.

4. Thiếu hệ thống chiếu sáng

Không nên tiết kiệm với các thiết bị phục vụ chiếu sáng như đèn và ổ cắm chờ. Hãy đảm bảo rằng bất kỳ góc nào của nhà bạn đều có thể tiếp cận đủ ánh sáng khi cần thiết.

Vào ban ngày, hãy cố gắng thiết kế để ánh sáng tự nhiên là nguồn ánh sáng chính nếu có thể. Cửa sổ phải có trong mọi phòng và càng lớn càng tốt.

5. Có quá nhiều phòng ít hoặc không sử dụng đến

Thêm một phòng giải trí hoặc phòng đa năng nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn sẽ sử dụng căn phòng đó thường xuyên. Một phòng riêng để tập thể dục tại nhà liệu có lãng phí không khi máy chạy bộ có thể được đặt ở trong một vị trí hợp lý nào đó trong phòng khác như phòng ngủ, phòng khách…? Thường thì một căn phòng không sử dụng sẽ trở thành một bãi rác, nơi chứa những thứ không bao giờ dùng đến. Nếu bạn định thêm một phòng với mục đích gì đó mà bạn sẽ ít sử dụng, hãy đảm bảo rằng đó là phòng có thể dễ dàng chuyển đổi từ loại này sang loại khác.

6. Bố trí phòng/khu giặt không hợp lý

Sẽ không có quy chuẩn nào cho vị trí đặt phòng giặt, nó sẽ phụ thuộc vào thói quen của bạn và gia đình. Hãy nghĩ xem bạn và gia đình thích phòng/khu giặt sẽ nằm gần khu phơi quần áo để tiện việc phơi đồ sau khi giặt xong? Hay bạn thích nó nằm ở vị trí gần phòng ngủ, phòng tắm để tiện việc bỏ đồ vào máy giặt? Thậm chí, nếu bạn thích cả 2 phương án trên thì hoàn toàn có thể thiết kế ngay từ đầu để nhà tắm, khu giặt đồ và phơi đồ nằm gần nhau.

Có rất nhiều điều cần xem xét trước khi bạn quyết định đặt phòng/khu giặt của mình ở đâu. Hãy xem xét tất cả thói quen, mong muốn của bạn và gia đình để có phương án đặt phòng giặt ở nơi hợp lý.

7. Vị trí của phòng ngủ

Phòng ngủ nên cách càng xa tiếng ồn càng tốt. Phòng ngủ cũng nên tránh xa các khu vực sinh hoạt chung. Nếu ngôi nhà của bạn ở chỏ có một tầng, lý tưởng nhất là phòng ngủ chính nên ở cuối xa nhất của ngôi nhà. Phòng ngủ lý tưởng là không nên ở gần các khu sinh hoạt chung như phòng khách và phòng ăn.

8. Vị trí của phòng bếp

Hãy cố gắng đặt vị trí nhà bếp càng gần lối vào chính càng tốt để bạn sẽ bớt phải đi lòng vòng mỗi khi mua đồ ăn về. Nếu diện tích khu đất đủ rộng, hãy bố trí một lối đi riêng cho nhà bếp ngoài lối đi có sẵn từ lối vào chính của ngôi nhà. Nhà bếp có xu hướng bận rộn nên sẽ tốt hơn nếu bạn có thể có một lối đi riêng mà không cần liên tục len lỏi vào các khu sinh hoạt chính của ngôi nhà.

9. Vị trí nhà để xe

Từ trước đến nay, có lẽ nhà để xe là một khu vực ít được các chủ nhà quan tâm nhất vì thực tế nhu cầu để cần có một nhà để xe là không cần thiết ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu về nhà để xe ngày càng tăng. Có nhiều gia đình khá giả thay vì ở trong thành phố, họ sẽ mua một khu đất rộng rãi ở ngoại ô và xây dựng một ngôi nhà lớn có nhà để xe riêng. Kể cả là bạn không cần nhà để xe thì vẫn nên chú ý đến ví trí để xe của các thành viên trong gia đình.

Nhà để xe lý tưởng nên nằm ở vị trí gần nhà tắm hoặc nhà bếp. Nhà để xe sẽ là nơi có những người liên tục ra vào nhà với trang phục thể thao bẩn thỉu, ba lô nặng, túi hàng tạp hóa và các đồ vật lớn khác. Và tất cả những sự bừa bộn đó nên được giải quyết tại nhà tắm hoặc nhà bếp trước khi bạn di chuyển đến các khu vực khác của ngôi nhà. Nếu không thể đặt nhà để xe ở vị trí lý tưởng như trên, hãy bố trí thêm một đường nước đến đó để tất cả mọi người có thể vệ rửa qua nếu cần thiết trước khi vào nhà.