Hướng dẫn từng bước để xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn

Mỗi người đều có những kỳ vọng và tham vọng cá nhân về kết quả cuối cùng của dự án xây dựng ngôi nhà của họ. Quá trình thiết kế một ngôi nhà trước khi thi công xây dựng rất khắt khe và đầy thử thách, đây là một giai đoạn quan trọng, nó sẽ biến tầm nhìn và sở thích của bạn thành hiện thực.

Trong nội dung của bài viết này, chúng tôi sẽ đưa bạn qua các giai đoạn chính trong việc biến khu đất trống của bạn thành một công trường xây dựng được tổ chức tốt, điều này sẽ giúp bạn xây dựng thành công ngôi nhà mơ ước.

1. Đưa ra bản tóm tắt về dự án xây dựng ngôi nhà của bạn

  • Bản tóm tắt sẽ đưa ra tất cả các yêu cầu, mong muốn quan trọng của bạn cho dự án.
  • Nó được tạo ra bởi chính bạn hoặc bạn có thể cho những người trong gia đình, những người sẽ sinh sống với bạn trong ngôi nhà cùng tham gia, đóng góp xây dựng bản tóm tắt. Không nên để người ngoài, những người không liên quan gì đến cuộc sống của bạn và gia đình trong chính ngôi nhà của bạn tham gia vào việc xây dựng bản tóm tắt này. Điều này sẽ khiến bạn như lạc giữa ma trận các ý kiến từ những người không liên quan, không tâm huyết với việc xây dựng ngôi nhà của bạn.
  • Bạn sẽ sử dụng bản tóm tắt này để nhận được các đề xuất miễn phí chính xác từ nhóm thiết kế. Đây là những đề xuất rất đáng để bạn tham khảo bởi vì họ là những người chuyên nghiệp, đã từng thực hiện rất nhiều dự án giống như dự án ngôi nhà của bạn. Các đề xuất của họ được đưa ra từ quá trình làm việc thực tế với rất nhiều công trình và sẽ giúp bạn nắm được điều gì nên – điều gì không nên, điều gì có thể – điều gì không thể.
  • Bản tóm tắt này không phải là bản cuối cùng. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi, cập nhật nó theo sở thích, nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên việc thay đổi này chỉ nên thực hiện trong quá trình thiết kế. Nếu như bạn thay đổi trong quá trình thi công, nhiều trường hợp sẽ kéo theo rất nhiều công việc phát sinh khiến cho tiến độ thi công bị chậm lại, chi phí bỏ ra vượt dự toán rất nhiều.

Bản tóm tắt đưa ra tất cả các yêu cầu quan trọng cho ngôi nhà của bạn và cần được tạo trước khi bạn đưa nó cho đội ngũ thiết kế của mình. Một điều quan trọng trong bản tóm tắt là bạn cần đưa ra các thông tin cơ bản về các phòng trong ngôi nhà của bạn như: kích thước, số lượng, cấu trúc của các phòng trên một mặt sàn… Bạn có thể tham khảo những thông số này từ những ngôi nhà khác mà bạn ưng ý của bạn bè, người quen. Việc đưa ra được những thông tin cơ bản về phòng này sẽ giúp bạn đảm bảo rằng nó sẽ phù hợp với lối sống riêng của bạn và gia đình. Ví dụ: Có người muốn một nhà bếp có không gian mở kết nối với khu ăn uống và phòng khách để có thể vừa nấu nướng vừa trò chuyện với khách, nhưng có người lại muốn một khu bếp riêng để không gian bên cạnh không bị ảnh hưởng bởi mùi thức ăn. Có người muốn tận dụng sân rộng để thỉnh thoảng tổ chức những buổi tiệc nhỏ ngoài trời, nhưng có người lại muốn sử dụng sân thượng để làm việc này…

Điều tiếp theo bạn nên đưa vào bản tóm tắt là phong cách kiến trúc mà bạn muốn áp dụng cho ngôi nhà của mình. Bạn muốn ngôi nhà của mình có phong cách hiện đại hay cổ điển? Bạn có muốn một cảnh quản đẹp nào đó ở xung quanh phải được nhìn thấy từ phòng ngủ của bạn không? Bạn muốn các ô cửa có diện tích vừa phải hay muốn tăng diện tích của chúng tối đa có thể để không gian thông thoáng và đón những ánh nắng tự nhiên tràn vào bên trong ngôi nhà?

(LeLamDesign luôn yêu cầu đội ngũ thiết kế của mình tính toán rất cẩn thận trong việc bố trí cửa của mỗi ngôi nhà. Chúng tôi luôn cố gắng để hướng đến một ngôi nhà có không gian thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè nhưng ấm áp vào mùa đông)

Xem thêm: Thiết kế thi công biệt thự

Ngân sách để hoàn thiện ngôi nhà của bạn là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bản tóm tắt và bạn nên cho đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công biết được con số này. Số tiền bạn có thể chi tiêu cho việc hoàn thiện ngôi nhà của mình quyết định đáng kể đến thiết kế của kiến ​​trúc sư, vì vậy điều quan trọng là phải đặt ngân sách chính xác nhất có thể, hạn chế tối đa những yêu cầu thay đổi thiết kế, thi công để chi phí không bị đội lên. Bạn cũng phải xem xét cách bạn sẽ quản lý dòng tiền trong suốt các giai đoạn quan trọng của dự án. Với mỗi giai đoạn, hạng mục đã hoàn thành, liệu số tiền bạn bỏ ra đã hợp lý chưa, liệu số tiền như vậy có là quá nhiều so với công việc đã hoàn thành? Bạn hãy yên tâm, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này ở phần sau của bài viết.

Yếu tố quan trọng nữa bạn nên đưa vào bản tóm tắt là thời gian bạn muốn hoàn thiện ngôi nhà của mình. Bạn muốn có một ngôi nhà mới trong tháng 12 Âm Lịch cuối năm để đón tết hay tháng 9 để tháng 10 bạn cưới vợ :)? Điều này sẽ rất quan trọng để kiến trúc sư đưa ra thiết kế phù hợp, nhà thầu thi công sẽ kiểm soát tiến độ theo mốc thời gian mà bạn đưa ra. Sẽ hết sức hụt hẫng nếu như đến ngày quan trọng, bạn cần một ngôi nhà mới nhưng tất cả vẫn là một công trình ngổn ngang.

2. Cung cấp thông tin bổ sung

Bạn đừng ngại cấp cung những thông tin bổ sung cho đội ngũ thiết kế, hãy làm việc này càng nhiều càng tốt. Những thông tin bổ sung có thể đơn giản chỉ là hình ảnh của một ngôi nhà, một khung cửa sổ, một góc sân vườn… mà bạn thích. Nếu như bạn là một người có một chút năng khiếu về vẽ vời, bạn hoàn toàn có thể phác thảo bằng tay ngôi nhà của mình và đừng ngại đưa nó cho những đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp của bạn chiêm ngưỡng. Bạn cũng có thể lên mạng tìm hiểu các thiết kế nhà cửa mà bạn thích và chia sẻ chúng với nhóm thiết kế của bạn. Điều này sẽ giúp kiến trúc sư nắm bắt được gu của bạn và đưa ra những thiết kế hợp lý nhất.

Hai mục trên nêu lên những yếu tố quan trọng cần thiết trong quá trình thiết kế ngôi nhà của bạn. Trước khi đến với những yếu tố quan trọng trong quá trình thi công, chúng tôi sẽ tóm tắt những nội dung chính ở trên để bạn có cái nhìn khoái quát hơn:

  • Bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?” Tại sao bạn lại xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình?
  • Chuẩn bị bản tóm tắt về yêu cầu, sở thích cho ngôi nhà của bạn đúng cách! Nó sẽ giúp bạn giữ cho quá trình thiết kế thi công đi đúng hướng.
  • Một bản tóm tắt tốt sẽ thông báo cho đơn vị thiết kế chính xác những gì bạn mong đợi từ họ.
  • Thông tin phòng, cách bố trí – phù hợp với lối sống của bạn và gia đình.
  • Phong cách của ngôi nhà gì? Hiện đại hay cổ điển? Đơn giản hay phô trương?
  • Tính toán một ngân sách chính xác cho việc xây dựng ngôi nhà của bạn – nó sẽ quyết định rất lớn đến thiết kế.
  • Đưa ra thời gian mà bạn muốn ngôi nhà của mình hoàn thiện
  • Cung cấp nhiều thông tin bổ sung nhất có thể.

3. Kiểm tra xem trong các mối quan hệ của bạn có ai tin tưởng để tham gia vào quá trong xây dựng ngôi nhà không

Có rất nhiều đầu việc cần phải làm trong quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm một ai đó quen biết có đủ năng lực và sự tin tưởng của bạn tham gia vào một công việc nào đó trong quá trình xây dựng. Điều này thật sự rất tuyệt, đội khi bạn vừa có một người quen đảm bảo được công việc, vừa có một người thay mặt bạn giám sát quá trình thi công của những nhóm thợ khác.

Tuy nhiên bạn cũng không nên quá ưu tiên người quen, có nhiều trường hợp chủ đầu tư quá ưu tiên người quen và ép nhà thầu phải nhận họ vào làm một hạng mục nào đó nhưng bản thân họ lại không đủ năng lực dẫn đến xảy ra rất nhiều lỗi trong hạng mục mà họ đảm nghiệm, việc thi công liên tục bị đình trệ vì phải đập phá sửa chữa, ảnh hưởng xấu đến tiến độ chung, phát sinh thêm những chi phí không đáng có. Tốt nhất là trước khi bạn đồng ý để người quen tham gia thi công một hạng mục nào đó, bạn nên để đội thiết kế và nhà thầu xây dựng kiểm tra năng lực của họ trước. Khi những người có chuyên môn là đội thiết kế và nhà thầu xây dựng của bạn nói rằng người này không đủ khả năng đảm nhận công việc thì bạn nên nghiêm túc xem xét lại việc có nên để họ tham gia vào quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn hay không.

Tại Lê Lâm Design, với kinh nghiệm rất nhiều năm thi công hàng trăm công trình dân dụng trên khắp đất nước, việc chọn lọc các cá nhân, tổ chức có khả năng đáp ứng tốt các hạng mục mà họ thi công luôn là ưu tiên của chúng tôi. Các công trình mà chúng tôi thực thi luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ thợ, đảm bảo được chất lượng và tiến độ thi công.

Có rất nhiều các vị trí, đầu việc, hạng mục thi công từ nhỏ đến lớn trong quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn mà bạn có để người quen đảm nhận. Bạn quen một người lái máy xúc có kinh nghiệm, hãy gọi ngay anh ấy về để sân lấp mặt bằng khu đất, đào móng, ép cọc cho ngôi nhà của bạn. Bạn là một chủ doanh nghiệp, trong doanh nghiệp có một thợ điện nước mà bạn rất ưng ý, hãy điều ngay cậu ấy về đảm nhận phần điện nước cho ngôi nhà của bạn. Bạn có một người bạn thân chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, hãy mua xi măng, cát sỏi, gạch ngói của bạn ấy. Thậm chí bạn quen một người làm cai xây dựng lớn, có thể đảm nhận toàn bộ các hạng mục thi công ngôi nhà của bạn, hãy để anh ấy nhận toàn bộ công trình ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng có rất nhiều hạng mục cần thợ phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm mới có thể hoàn thành tốt. Bạn nên để những người có chuyên môn là đợn vị thiết kế, nhà thầu xây dựng ngôi nhà kiểm tra năng lực những người quen của bạn xem họ có đáp ứng được yêu cầu không trước nhé.

Trong tất cả các vị trí, chúng tôi luôn khuyến khích khách hàng của mình tìm được một người giám sát riêng có chuyên môn riêng trong quá trình thi công ngôi nhà của bạn. Người này sẽ làm việc độc lập xuyên suốt quá trình thi công xây dựng ngôi nhà với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kỹ thuật, chất lượng thi công cũng như kiểm tra vật liệu đầu vào có đảm bảo hay không. Chúng tôi coi đây là một khoản đầu tư mà chủ nhà chắc chắn sẽ nhận được nhiều hơn mất. Vị trí này hoàn toàn có thể bỏ qua nếu như bạn là một người có chuyên môn và có đủ thời gian giám sát toàn bộ quá trình thi công xây dựng ngôi nhà của mình từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, thời gian xây dựng một ngôi nhà là khá dài, nó có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí nếu như ngôi nhà của bạn là một ngôi nhà bề thế, hoành tráng thì thời gian này có thể tính bằng năm, bạn rất khó có thể theo sát 100% quá trình thi công. Có nhiều hạng mục, đầu việc rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng, kết cấu của ngôi nhà mà bạn không thể nhìn thấy khi ngôi nhà đã hoàn thiện, nó chỉ có thể kiểm tra và phát hiện trong quá trình đang thi công. Người giám sát sẽ có nhiệm vụ theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình thi công, phát hiện các sai xót mà thợ thi công không đúng kỹ thuật và yêu cầu thợ xử lý trước khi những sai xót đó được thợ lấp liếm đi. Với tổng số tiền rất lớn mà bạn chuẩn bị cho việc xây dựng ngôi nhà của mình, đừng lăn tăn việc có nên bỏ ra một khoản nhỏ để tìm kiếm một người giám sát có chuyên môn thay mặt bạn giám sát toàn bộ quá trình thi công xây dựng hay không mà hãy làm việc này ngay lập tức bạn nhé.

4. Hoàn thiện bản thiết kế

Tất cả những điều ở trên đều được thực hiện trước khi công trình ngôi nhà của bạn được khởi công. Song song với các việc trong khoảng thời gian này cũng là lúc bạn nên cùng với đội ngũ kiến trúc sư hoàn thiện bản thiết kế ngôi nhà của mình. Mặc dù đội ngũ thiết kế có thể đã đưa cho bạn bản thiết kế hoàn thiện cho ngôi nhà nhưng tất cả vẫn còn trên giấy, bạn hoàn toàn có thể bổ sung những yêu cầu thay đổi, thêm mới nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân của bạn. Chúng tôi rất khuyến khích khách hàng của mình làm điều này, bởi vì nó sẽ tránh được việc thay đổi, sửa chữa trong quá trình thi công nhưng vẫn đảm bảo được các sở thích cá nhân, gu thẩm mỹ của khách hàng.

Đôi khi việc thay đổi thiết kế của một hạng mục đơn giản đã thi công xong kéo theo rất nhiều phát sinh, cần cả một ê kíp bắt tay vào tìm hiểu trước khi thực hiện việc sửa chữa. Ví dụ bạn chỉ cần muốn tăng diện của ban công ở một khung cửa nào đó trên tầng 2, điều này nếu nhìn từ bên ngoài, sau khi nó được sửa chữa có vẻ rất đơn giản, nhưng thực tế nó sẽ kéo theo những công việc liên quan đến kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu, vật liệu phát sinh… Có khi là những sản phẩm trang trí cho ban công đó như lan can, cánh cửa… đã được hoàn thiện tại xưởng sản xuất, chỉ chờ để chở đến và lắp đặt cũng cần phải thay đổi, rất lãng phí. Thậm chí, có những yêu cầu thay đổi mà bạn bắt buộc phải thay đổi theo ý của bạn sẽ không phù hợp về thẩm mỹ với thiết kế tổng thể chung khiến cho đội ngũ thiết kế cần thiết kế lại rất nhiều những vị trí xung quanh để đảm bảo sự đồng nhất trong thiết kế của cả ngôi nhà. Chính vì vậy, trước khi việc xây dựng ngôi nhà của bạn được khởi công, hãy liên tục cập nhật những yêu cầu thay đổi thiết theo sở thích, mong muốn cá nhân của bạn. Làm việc này càng nhiều, bạn sẽ càng tránh được những thay đổi khi công trình đang thi công dang dở.

Hãy nhớ rằng việc thường xuyên liên lạc với nhóm thiết kế của bạn để đưa ra yêu cầu mới là một việc quan trọng. Trong quá trình thiết kế, sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn có nhiều ý tưởng, mong muốn cho một vị trí, công năng nào đó trong ngôi nhà của mình. Đội ngũ thiết kế chắc chắn sẽ dựa vào đó và đưa ra cho bạn phương án hoàn hảo nhất. Chúng tôi xin nhắc lại, đây là ngôi nhà của bạn, bạn là người chi tiền để thực hiện việc thiết kế thi công nó, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ yêu thích bản thiết kế cho ngôi nhà mơ ước của mình.

Theo như kinh nghiệm làm việc thực tế của chúng tôi qua nhiều dự án, giai đoạn này nên kéo dài khoảng 3 đến 8 tuần tuỳ thuộc vào quy mô ngôi nhà của bạn, song song với các công việc ở mục 1, 2 và 3 ở trên. Sau khi bạn đã hoàn toàn hài lòng với bản thiết kế bởi vì nó đáp ừng toàn bộ các yêu cầu của bạn. Bạn hãy tiến hành giai đoạn tiếp theo.

5. Giai đoạn lập kế hoạch

Đây là giai đoạn mà các công việc hầu như sẽ được thực thi bởi cá nhân bạn, đội ngũ thiết kế thi công chỉ là bên hỗ trợ bạn hoàn thành bản kế hoạch này. Nó bao gồm cả những công việc liên quan trực tiếp đến việc thi công ngôi nhà của bạn và cả những công việc không liên quan như hàng xóm, chính quyền địa phương… Đây là những công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu bạn không có sự chuẩn bị trước, nhiều khi sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công.

Đầu tiên, hãy bàn đến những việc liên quan trực tiếp đến việc thi công. Tất nhiên việc này sẽ do đội thiết kế thi công lên kế hoạch bởi vì chính họ là người thực thi các giai đoạn của việc xây dựng ngôi nhà. Tuy nhiên bạn nên yêu cầu họ chia sẻ những kế hoạch đó với mình. Những công việc, hạng mục, chi tiết nào mà bạn cho là quan trọng cần phải có trong bản kế hoạch của riêng bạn, hãy yêu cầu họ chia sẻ hết. Ví dụ như bạn muốn biết kế hoạch tiến độ thi công từng hạng mục, đến ngày bao nhiêu thì đổ trần tầng 1, đến ngày bao nhiêu có thể đổ trần tầng 2… Dựa vào việc này bạn có thể nắm bắt tiến độ công trình ngôi nhà của bạn đang đảm bảo đúng tiến độ hay chậm tiến độ, qua đó có những trao đổi với những người chịu trách nhiệm đảm bảo được tiến độ thi công. Trong một số trường hợp, việc thay đổi kế hoạch trong quá trình thi công là bất khả kháng. Bạn hãy tìm hiểu xem lý do thay đổi kế hoạch là gì? Liệu bạn có thể hỗ trợ để khắc phục khó khăn với đội ngũ thi công hay không? Nếu như đó là lý do chính đáng thì mong bạn hãy thông cảm cho đội ngũ thi công. Nhưng nếu đó là lý do không chính đáng, hãy yêu cầu họ không được thay đổi kế hoạch, nếu như thay đổi họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, trong đợt dịch vừa qua, có một số khoảng thời gian việc thi công xây dựng bắt buộc phải tạm dừng theo yêu cầu của chính quyền, đây là một lý do rất chính đáng cho việc tiến độ thi công bị chậm, bạn nên thông cảm với đội thi công. Tuy nhiên, có một số trường hợp cai thầu lại dựa vào dịch để biện minh cho việc chậm tiến độ, trong khi chính quyền đã cho phép việc xây dựng được tiến hành thì họ lại báo rằng thiếu thợ do dịch/do trong tổ thợ có người bị F0 nên thiếu nhân lực… Đây là lý do tế nhị, bạn có thể thông cảm, nhưng cũng có thể hỗ trợ/yêu cầu họ phải khắc phục để đảm bảo những cam kết ban đầu bởi vì xảy ra như vậy nguyên nhân chính là do nhà thầu không đủ năng lực. Việc nắm bắt được kế hoạch của đội ngũ thiết kế và thi công ngôi nhà cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát ngân sách của bạn trong suốt quá trình thi công. Khi một hạng mục nào đó được hoàn thành đúng tiến độ, đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, đừng ngần ngại chi ra một khoản ứng trước cho đội ngũ thi công hạng mục đó. Tất nhiên việc ứng trước này có thể bạn không cần thực hiện nếu như bạn đã thống nhất với chủ thầu qua hợp đồng hoặc thoả thuận miệng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đồng tiền được chi tiêu khôn khéo, hợp lý luôn mạng lại nhiều lợi ích hơn là mất. Bạn cũng có thể dựa vào kế hoạch của đội thiết kế và thi công để chưa chi chả cho những hạng mục chậm tiến độ, sai kỹ hoặc có chất lượng kém để bắt ép họ sửa chữa đúng theo thiết kế cũng như nâng cao trách nhiệm của tổ thợ trong những hạng mục tiếp theo nếu như họ còn tiếp tục thi công xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn.

Sau khi bạn đã nắm bắt được sơ bộ kế hoạch của đội thiết kế và thi công, hãy dựa vào đó để lập kế hoạch về các vấn đề có thể xảy ra với hàng xóm. Hãy thực hiện ngay nếu như đó là điều cần thiết trước khi bắt đầu việc khởi công xây dựng. Việc này có thể bỏ qua trong một số trường hợp. Ví dụ như bạn có một mảnh đất rất lớn trong một khu đất rất lớn và nằm trên mặt đường cũng rất lớn :), xe chở vật liệu có thể di chuyển thoải mái vào trong khu đất của bạn, việc xây dựng không ảnh hưởng gì đến hàng xóm thì bạn cũng không cần lên kế hoạch để xử lý các vấn đề phát sinh với hàng xóm. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng, khu đất của bạn sát tường với 2 nhà hàng xóm bên cạnh, việc đào móng có thể gây nún sụt, nứt tường nhà hàng xóm. Hãy lên kế hoạch để có biện pháp xử lý nếu như việc này xảy ra. Hoặc đơn giản như khu đất của bạn nằm trong một ngõ rất nhỏ, nhà đầu ngõ thì hay để xe trước cửa nhà ảnh hưởng đến việc di chuyển vật liệu đến khu vực thi công ngôi nhà của bạn, hãy trao đổi với họ để khi xe chở vật liệu đến có thể dễ dàng chở vật liệu đến chân công trình… Có rất nhiều những tình huống với hàng xóm mà nếu như bạn không có kế hoạch để xử lý sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến độ thi công. Có những trường hợp mà những anh thợ đang thi công có thể xử lý nhanh gọn, nhưng cũng có những trường mà chỉ có bạn mới có thể xử lý. “Bán anh em xa, mua láng giềng gân”, hãy cỗ gắng có một kế hoạch để xử lý tất cả các tình huống có thể phát sinh với hàng xóm trong suốt quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn và xử lý ngay những tình huống có thể phát sinh trong những ngày đầu thi công. Ngoài ra, việc bạn có kế hoạch xử lý tốt các tình huống phát sinh với hàng xóm cũng sẽ hạn chế việc họ gửi đơn từ, kiện cáo gây ra các tình huống phát sinh với chính quyền địa phương.

Kế hoạch xử lý các vấn đề có thể xảy ra với chính quyền địa phương cũng là một việc rất quan trọng. Nếu như bạn là một quan chức cấp cao hét ra lửa, hoặc bố của bạn là một người “tai to mặt lớn” tại địa phương… thì việc xử lý các vấn đề với chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn sẽ rất đơn giản. Cho dù là thế nào đi nữa thì bạn cũng nên có một kế hoạch để xử lý nếu xảy ra sự cố với chính quyền địa phương bởi vì họ là những người có thể “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ” đình chỉ việc thi công xây dựng ngôi nhà của bạn. Có những việc bắt buộc phải làm việc với chính quyền địa phương như xin giấy phép xây dựng, hoặc những giấy tờ liên quan đến công việc mà bạn sẽ kinh doanh trong ngôi nhà của mình sau khi nó được hoàn thiện. Cũng có những việc có thể phát sinh trong quá trình thi công ngôi nhà của bạn, chẳng hạn như xe chở vật liệu đến khu thi công ngôi nhà quá nặng dẫn đến nún sụt đường ngõ. Hoặc việc thi công gây ra quá nhiều tiếng ồn và bụi bẩn, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của hàng xóm khiến họ viết đơn kiện bạn lên chính quyền địa phương… Nói chung, tất cả những việc liên quan đến chính quyền địa phương này đều sẽ được giải quyết bởi những nhà thầu chuyên nghiệp, nhưng trong một số trường hợp vẫn cần bạn “ra tay”. Vì vậy hãy cố gắng lập một kế hoạch để giải quyết tất cả các có thể tình huống phát sinh với chính quyền địa phương.

Sau khi bạn có bản kế hoạch, hãy dựa vào đó để tạo ra một “Quy đinh xây dựng” và yêu cầu tất cả những người tham gia xậy dựng ngôi nhà của bạn phải chấp hành.

6. Thiết lập quy định xây dựng

Việc thiết lập quy đinh xây dựng này cũng là công việc mà cá nhân bạn sẽ làm. Hãy dựa vào nội dung của bản kế hoạch ở mục trên mà bạn đã hoàn thành để đưa ra những quy định và yêu cầu tất cả nhân công xây dựng ngôi nhà của bạn phải chấp hành để tránh những phát sinh không đáng có. Bạn không cần đưa nó cho từng người, bạn chỉ cần đưa nó cho những trưởng nhóm thợ, những người mà bạn sẽ trả tiền công để họ tiếp tục chia nhỏ chỗ tiền đó và trả lương cho từng người thợ mà họ gọi đến. Bạn hãy đảm bảo sự công tâm khi đưa ra những quy định này. Hãy nhớ rằng nó được tạo ra để tránh những phát sinh không đáng có, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng thi công ngôi nhà của bạn. Nó không phải là những quy định để gây khó, chèn ép những người thợ đang thi công, để rồi dựa vào đó bạn có thể “phạt” họ.

Những quy định này mặc dù là những điều rất đơn giản nhưng nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều những phiền toái liên quan đến hàng xóm, chính quyền. Ví dụ như khoảng thời gian từ 7h đến 8h là khoảng thời gian mà dân cư trong ngõ của bạn đi làm hay đi học, việc bày bừa vật liệu xây dựng ra ngõ sẽ ảnh hưởng đến đi lại của cả ngõ, hãy đưa ra quy định dọn dẹp sạch sẽ ngõ trước khi kết thúc buổi làm việc chiều hôm trước, xe chở vật liệu chỉ được tiếp cận công trình sau 8h… Còn rất nhiều những quy định khác mà bạn có thể đưa ra cho những người thợ tham gia xây dựng chấp hành để tránh những phiền toái không đáng có. Hãy cố gắng đưa ra thật nhiều những quy định phù hợp với hoàn cảnh khu đất xây dựng ngôi nhà của bạn nhé. Nếu ai đó vi phạm những quy định này, dẫn đến những phát sinh phiền toái không đáng có, bạn hoàn toàn có thể bặt họ chịu trách nhiệm. Và bạn hãy luôn nhớ rằng những quy định này là để cho công việc thi công thuận lợi, nó được tạo ra không phải để phục vụ mục đích nào khác.

Ngoài ra bạn có đưa ra những quy định mà theo bạn sẽ có ảnh hưởng tốt vì chất lượng thi công, đến chi phí mà bạn phải chi trả cho việc xây dựng ngôi nhà. Ví dụ như bạn nghĩ rằng xi măng Hoàng Thạch là phù hợp nhất để xây dựng ngôi nhà của bạn, hãy đưa ra quy định chỉ được sử dụng xi măng Hoàng Thạch cho việc xây dựng ngôi nhà…

Từ từ nhé, sau khi bạn đã hoàn thành các quy định xây dựng cho ngôi nhà của mình, đừng vội áp dụng nó vội. Hãy đưa nó cho những nhà thầu thi công hoặc ai đó có trách nhiệm truyền đạt lại những quy định này đến toàn bộ những người thợ thi công xem liệu những quy định đó có hợp lý không, nếu như họ đưa ra lý do chính đáng để bỏ một quy định nào đó, bạn hãy cẩn thận xem xét lại xem có nên bỏ quy định đó không. Kể cả khi bạn đã hoàn thành bản quy đinh xây dựng sau khi đã thống nhất xong xuôi thì trong một số trường hợp không tránh khỏi những quy định này vẫn bị bỏ qua, hãy áp dụng nó một cách linh hoạt để việc thi công được suôn sẻ nhé.

7. Yêu cầu đơn vị thiết kế cung cấp đầy đủ toàn bộ các bản vẽ

Hãy nhớ là toàn bộ các bản vẽ liên quan đến việc thi công xây dựng ngôi nhà của bạn nhé. Từ bản vẽ kiến trúc đến bản vẽ kết cấu, từ bản vẽ về phần điện nước đến phần đèn chiếu sáng… Hãy đảm bảo rằng từng ngóc ngách, từng kích thước của những chi tiết nhỏ nhất trong ngôi nhà của bạn đều được thể hiện trên bản vẽ. Ngoài ra bạn cũng nên yêu cầu họ cung cấp hình ảnh 3D ngôi nhà của bạn, số lượng ảnh này phải thể hiện đầy đủ các góc cạnh từ nội thất đến ngoại thất ngội nhà của bạn. Bạn sẽ dùng nó để kiểm tra xem trong quá trình thi công, liệu rằng khi hoàn thiện có giống với như bản vẽ, hình ảnh hay không. Nếu như tất cả đều khớp với thiết kế, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về kết quả sau khi ngôi nhà hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu như việc thi công có gì đó sai lệch so với thiết kế, bạn hoàn toàn có thể nghi ngờ trình độ của tổ thợ và đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.

Có thể khi đến thời điểm này, những đơn vị thiết kế chuyên nghiệp, uy tín đã cung cấp cho bạn đầy đủ những bản vẽ, hình ảnh rồi. Nhưng bạn vẫn nên kiểm tra lại xem họ có cần bổ sung gì nữa không, hãy đảm bảo rằng sẽ không có thay đổi nào trong thiết kế bị phát sinh từ phía đội ngũ thiết kế trong quá trình thi công. Có những đơn vị thiết kế không uy tín, yếu kém về năng lực sẽ làm việc theo kiểu “làm đến đâu thiết kế đến đó”, mặc dù bản vẽ chưa hoàn thiện nhưng họ vẫn khéo léo dẫn dắt bạn bắt đầu việc thi công xây dựng. Để rồi khi thi công thực tế sẽ xảy ra một số vấn đề cần phải thay đổi thiết kế mà không dựa theo yêu cầu, sở thích của bạn và họ sẽ khéo léo lấp liếm nó. Nhớ nhé, hãy đảm bảo bạn đã có đầy đủ TOÀN BỘ CÁC BẢN VẼ liên quan đến xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn trước khi việc thi công bắt đầu.

Sau khi trải qua tất cả các giai đoạn trên, bạn hãy tự tin chọn ngày khởi công xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn thôi nào :).